Trẻ quấy khóc đêm do nguyên nhân gì?

Trẻ quấy khóc đêm là tình trạng mà hầu như các mẹ nuôi con nhỏ đều đã trải qua. Trong quá trình phát triển tự nhiên của trẻ, việc quấy khóc là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên việc trẻ quấy khóc đêm kèm các dấu hiệu bất thường khác có thể cảnh báo bệnh lý nguy hại cho sức khỏe.

1. Trẻ quấy khóc đêm thế nào là bình thường?

Trong khoảng thời gian từ khi mới sinh đến 8 tuần tuổi, trẻ sơ sinh thường quấy khóc khoảng 3 tiếng mỗi ngày. Đa phần trẻ sơ sinh quấy khóc đêm khiến cho các mẹ lo lắng.

Ngoài ra thì đôi khi trẻ quấy khóc không rõ nguyên nhân, tuy nhiên, việc trẻ hay khóc trong giai đoạn này được coi là bình thường.

  • Khóc được coi như dấu hiệu cho thấy sự phát triển của trẻ trong những tháng đầu sau khi làm quen với môi trường ngoài bụng mẹ.
  • Khi trẻ được 4 tháng tuổi trở lên, tình trạng trẻ sơ sinh quấy khóc đêm sẽ giảm dần. Nguyên nhân là do trẻ đã thích nghi được với môi trường và ba mẹ cũng nắm được những thói quen của trẻ để chăm sóc tốt hơn.
  • Trẻ quấy khóc đêm được coi là bình thường khi không đi kèm với các biểu hiện khác lạ như ngủ ngáy, có giật, mộng du, trẻ hoảng sợ và khóc thét… Nếu gặp phải tình trạng này, hãy cho trẻ đi khám bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân chính xác nhất, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp.

2. Nguyên nhân trẻ quấy khóc đêm

Trẻ quấy khóc về đêm có thể là do những nguyên nhân:

  • Môi trường bên ngoài tác động: Ánh sáng, tiếng ồn, không thích người khác ẵm bồng… Nếu môi trường bên ngoài có những tác động như trên sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu, não liên tục bị kích thích và không thể đi vào trạng thái nghỉ ngơi. Do đó, trẻ dễ quấy khóc và khó có một giấc ngủ sâu.
  • Không khí quá nóng/ lạnh: Để trẻ có thể ngủ ngon và sâu thì nhiệt độ phòng ngủ phải giữ ở mức phù hợp. Không khí quá nóng hoặc quá lạnh sẽ khiến thân nhiệt của trẻ tăng giảm bất thường làm trẻ quấy khóc.
  • Không khỏe trong người: Đói, ốm sốt, mọc răng, đau bụng, đầy hơi, bị côn trùng cắn… Các tình trạng trên đều khiến trẻ cảm thấy khó chịu, cơ thể mệt mỏi. Đây là nguyên nhân khiến trẻ khóc về đêm nhiều nhất nhưng ít được ba mẹ chú ý tới.
  • Quần áo/ tã lót bị bẩn: Da của trẻ rất nhạy cảm. Vì vậy, nếu quần áo hoặc tã lót của trẻ bị bẩn mà không được thay sẽ khiến trẻ cảm thấy ngứa ngáy, dị ứng…và gây ra hiện tượng quấy khóc về đêm.
  • Bị giật mình: Trẻ nhỏ thường hay bị giật mình vào ban đêm. Những tiếng động bất ngờ hoặc cử động đột ngột của mẹ tác động có thể khiến bé tỉnh giấc và khóc. Điều đó khiến trẻ không có một giấc ngủ trọn vẹn.
  • Sức đề kháng yếu, dễ bị nhiễm khuẩn: Trẻ có sức đề kháng yếu thường dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp, nhiễm khuẩn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và làm cho trẻ buồn bực, quấy khóc.
  • Trẻ bị hội chứng quấy khóc (khóc dạ đề):  Hội chứng khóc dạ đề là tình trạng trẻ khóc dai dẳng và liên tục. Có khoảng 20% trẻ sơ sinh mắc hội chứng quấy khóc này. Tuy gây cho ba mẹ nhiều phiền toái khi chăm sóc trẻ nhưng khóc dạ đề không gây biến chứng nào nguy hiểm cho cơ thể trẻ và không phải là bệnh. Khóc dạ đề cũng chưa có phương pháp điều trị dứt điểm.

3. Trẻ hay khóc đêm thiếu chất gì?

Trẻ thường hay quấy khóc về đêm và ngủ không ngon thường bị thiếu các chất sau:

Canxi

  • Canxi là thành phần chính cấu tạo nên xương và răng. Ngoài ra, vai trò của Canxi còn vô cùng to lớn góp phần trong việc tăng hệ miễn dịch, hỗ trợ hệ thần kinh. Đặc biệt thiếu Canxi ở trẻ sẽ khiến hệ thần kinh hoạt động kém nhanh nhạy làm giấc ngủ hay bị gián đoạn.
  • Trẻ từ 1-3 tuổi cần nhu cầu Canxi khoảng 700 mg ngày. Trẻ từ 4-8 tuổi cần khoảng 1000 mg Canxi/ngày.
  • Mẹ có thể bổ sung Canxi cho trẻ qua những thực phẩm giàu Canxi như cá trích, cá thu, tôm, cua biển, trứng… hoặc thông qua các thực phẩm chức năng có thành phần chứa Canxi, đặc biệt là loại Canxi nano để cơ thể dễ hấp thu.

Magie

  • Magie tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa quan trọng giúp hỗ trợ hoạt động của hệ tim mạch, hệ thần kinh.
  • Thiếu Magie gây ra nhiều nguy cơ xấu cho sức khỏe như táo bón, rối loạn nhịp tim, co cứng cơ… khiến cơ thể khó chịu, mệt mỏi và khiến trẻ không có giấc ngủ trọn vẹn.
  • Mẹ có thể cung cấp Magie cho trẻ thông qua các thực phẩm như dưa hấu, bơ, quả mâm xôi, chuối, bắp cải, súp lơ, cam, sò…

Kẽm

  • Kẽm đóng vai trò quan trọng trọng việc hỗ trợ các enzym thực hiện quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Kẽm còn giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh, ngăn ngừa những bệnh gây ra do hệ miễn dịch suy yếu.
  • Thiếu Kẽm khiến bé dễ bị tiêu chảy hoặc hay nhiễm trùng, hệ thần kinh trung ương hoạt động kém và hệ quả là khiến trẻ quấy khóc đêm.
  • Kẽm có nhiều trong tôm, lươn, sò, củ cải, cá chép…

Vitamin D

  • Vitamin D có tác dụng giúp cơ thể hấp thu Canxi tốt hơn và duy trì nồng độ Canxi trong máu.
  • Vitamin D có nhiều trong ánh nắng mặt trời tự nhiên và trong các thực phẩm như ngũ cốc, nấm, sò, cá hồi, sữa…

4. 8 mẹo chữa trẻ khóc đêm

Để khắc phục tình trạng trẻ quấy khóc đêm, các mẹ có thể áp dụng những phương pháp sau đây:

4.1. Đưa trẻ đồ chơi

Đây là phương pháp mang tính tạm thời nhưng có tác dụng khiến trẻ nín khóc nhanh chóng. Đưa cho trẻ những đồ chơi yêu thích sẽ chuyển sự chú ý của trẻ qua những đồ vật đó và làm trẻ tạm thời quên đi sự khó chịu khiến mình thức giấc.

4.2. Cho con bú

Trẻ quấy khóc khi bú gây nên về đêm do bị đói. Do vậy mẹ có thể vắt sữa vào bình để cho trẻ bú được no hơn và quên đi cơn khóc. Trong một số trường hợp khác do mẹ ít sữa vì vậy mà trẻ quấy khóc đòi bú liên tục. Nếu gặp trường hợp này mẹ cần bổ sung nhiều dinh dưỡng hơn cho mình để có thể bổ sung đầy đủ sữa bú cho bé nhất.

4.3. Thay tã lót nếu cần

Mẹ cần kiểm tra tã lót của trẻ thường xuyên. Nếu thấy tã lót bị lệch hoặc ướt khiến trẻ khó chịu thì cần thay ngay để trẻ không còn quấy khóc. Làn da khô thoáng sẽ giúp trẻ không bị ngứa ngáy và cảm thấy thoải mái hơn.

4.4. Massage bàn chân

Massage bàn chân cho bé là cách hiệu quả giúp làm giảm tình trạng quấy khóc về đêm của trẻ. Bàn chân chứa nhiều huyệt quan trọng, khi được massage sẽ giúp cơ thể được thư giãn và thoải mái hơn, lưu thông máu tốt hơn giúp trẻ ngủ ngon.

4.5. Ôm vỗ về, trò chuyện

Đôi khi tình trạng quấy khóc của trẻ sẽ chấm dứt nếu như được ba mẹ ôm ấp vỗ về, trò chuyện. Trẻ sẽ cảm nhận được sự quan tâm của ba mẹ và không còn “làm nũng” bằng những cơn quấy khóc.

Ngoài những phương pháp trên, mẹ có thể áp dụng những mẹo dân gian sau đây để giảm tình trạng trẻ quấy khóc đêm. Phương pháp này còn có thể áp dụng trong trường hợp bé quấy khóc khi mẹ bế.

4.6. Xông khói quả bồ kết

Các mẹ có thể dùng vài quả bồ kết khô nướng để xông khói trong phòng khu vực giường trẻ nằm ngủ. Hơi nóng và khói của bồ kết nướng sẽ giúp làm ấm căn phòng và xua tan đi những luồng khí xấu. Ngoài ra, khói bồ kết còn có tính sát khuẩn nên sẽ giúp không khí sạch hơn, hạn chế những bệnh về đường hô hấp.

Lưu ý cho các mẹ khi thực hiện phương pháp này là cần đưa trẻ ra khỏi phòng sau đó mới xông khói và để trẻ vào ngủ khi khói đã tan bớt.

4.7. Để tỏi đầu giường

Tỏi có tính sát trùng cao nên khi để vài nhánh tỏi trên đầu giường bé ngủ sẽ giúp hạn chế phần nào vi khuẩn xâm nhập giúp bé ngủ ngon giấc hơn. Ngoài ra, theo dân gian, đây còn là một phương pháp tâm linh giúp trẻ xua đi những “vía dữ”.

4.8. Dùng lá trầu không

Dùng vài lá trầu không già rửa sạch để ráo nước sau đó đem hơ trên lửa rồi đắp lên bụng và trán cho trẻ sẽ giúp trẻ ngủ ngon hơn.

Lá trầu có tác dụng làm ấm, sát khuẩn giúp trẻ hạn chế vi khuẩn xâm nhập. Các mẹ cần lưu ý nên để lá nguội bớt mới đắp lên da cho trẻ tránh để trẻ bị bỏng.

5. Một số lưu ý giúp trẻ ngủ ngon hơn

Ngoài những phương pháp trên, để trẻ ngủ ngon giấc hơn, ít quấy khóc đêm, mẹ cần lưu ý những điểm sau:

  • Vệ sinh phòng ngủ: Phòng ngủ cho trẻ phải đảm bảo sự thông thoáng, tránh bí bách. Mẹ cần vệ sinh bụi bẩn trong phòng ngủ để tránh vi khuẩn có môi trường sinh sôi và giúp không gian bé ngủ không có mùi khó chịu.
  • Cho trẻ ăn đủ no: Cho trẻ ăn bữa phụ trước khi đi ngủ sẽ giúp trẻ không bị đói và ngủ ngon hơn.
  • Không để trẻ ngủ quá nhiều ban ngày: Cần phân bố thời gian ngủ hợp lý cho trẻ, tránh để trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày. Thời gian ngủ ban đêm phải chiếm đa số trong tổng thời gian ngủ của trẻ.
  • Tập cho con đi ngủ đúng giờ: Đi ngủ đúng giờ giấc sẽ giúp trẻ tạo được thói quen cho cơ thể và giúp trẻ đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
  • Cho trẻ vận động ngoài trời vào ban ngày: Vận động cơ thể sẽ giúp trẻ khỏe mạnh hơn, tăng sức đề kháng. Nên để trẻ tắm nắng vào buổi sáng ngoài trời để giúp cơ thể hấp thu được Vitamin D từ ánh nắng tự nhiên.

Ngoài ra nếu trẻ quấy khóc từ nguyên nhân mọc răng thì bạn cũng có thể sử dụng theo phương pháp được gợi ý trong bài viết sau đây nhé:

Đưa trẻ đi khám nếu vẫn không tiến triển: Khi trẻ quấy khóc kéo dài mà ba mẹ không thể can thiệp hoặc dùng biện pháp nào để cải thiện, cần đưa trẻ đi khám. Đôi khi trẻ quấy khóc đêm là cảnh báo về bệnh lý nên cần xác định bệnh chính xác và điều trị kịp thời tại các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo.

Những chia sẻ về nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng trẻ quấy khóc đêm trên đây hy vọng đã giúp các mẹ có thêm những tham khảo hữu ích. Chúc các mẹ luôn chăm bé khỏe và ngoan!

Bấm để gọi (Tư vấn 24/7)097.421.48.22